Một trong những nội dung, chủ đề chính trong đợt giám sát lần này của Ban Văn hóa - xã hội là nắm tình hình về thực hiện một số quy định của Bộ Luật lao động trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát và giám sát cho thấy trong những năm qua, kể tư khi Bộ Luật lao động được ban hành (1994) và qua các lần sửa đổi, bổ sung (năm 2002, 2006 và 2007) việc triển khai, tuyên truyền, phổ biến và thực thi bộ luật đã được các ngành các cấp quan tâm. Sở Tư pháp – Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh, Sở lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch; tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc triển khai, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến Bộ Luật lao động đến các đối tượng. Từ năm 2009 đến nay thực hiện Chương trình 37 của Chính phủ, Sở lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Liên đoàn lao động tỉnh và các cơ quan chủ trì các tiểu đề án (thuộc Chương trình 37) tổ chức tuyên truyền Bộ Luật lao động và các văn bản pháp luật có liên quan đến các doanh nghiệp và người lao động trong tỉnh. Trong đó đã tổ chức tập huấn Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế… được 61 cuộc với hơn 25.000 lượt người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia học tập. Theo hướng dẫn của tỉnh, 15 doanh nghiệp trong tỉnh đã tự tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hơn 5.000 lượt công nhân lao động về các quy định của pháp luật lao động, về hợp đồng lao động, về các chính sách đối với người lao động… Qua giám sát nhận thấy công tác này luôn được quan tâm và thực hiện khá tốt theo kế hoạch, đã giúp người sử dụng lao động và người lao động nâng cao nhận thức và thực hiện đúng, đủ các quyền, nghĩa vụ của mình. Kết quả này rất đáng ghi nhận và mong tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.

Trong việc ký kết hợp đồng lao động, hiện nay tỉnh Cà Mau có 3.750 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Về quy mô, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có khoảng 80 doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn. Trong những năm gần đây, từ việc nhận thức đúng về lợi ích của việc ký kết hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến các chính sách đối với người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động. Việc ký hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động được quan tâm. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2009 tỉnh Cà Mau có 56.524 lao động trong doanh nghiệp, tỷ lệ ký kết hợp đồng lao động là 92%. Năm 2010 con số này là 64.331 người, tăng 13,83% so cùng kỳ năm trước và tỷ lệ ký kết hợp đồng lao động đạt trên 90%, có doanh nghiệp đạt 100%. Năm 2011 tuy chưa có số thống kê chính xác, song qua khảo sát tại một số doanh nghiệp tỷ lệ người lao động có ký hợp đồng lao động ở đây cũng khá cao. Điển hình như Công ty Quốc Việt đến ngày 15/8/2011 có tổng số lao động là 2.169 người thì có 100% ký hợp đồng lao động. Công ty Camimex cũng tương tự, đến 25/8/2011, công ty có tổng số 1.517 lao động thì 100% lao động đều có hợp đồng lao động…
Việc thực hiện đăng ký thang, bảng lương trong doanh nghiệp, theo hướng dẫn của các ngành chức năng, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động xây dựng thang, bảng lương phù hợp với khả năng tài chính của mình. Từ năm 2009 đến nay đã có 75 doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện tốt vấn đề này. Tuy nhiên cũng còn nhiều doanh nghiệp vì những lý do khác nhau, chưa thực hiện, chưa xây dựng được thang, bảng lương cho mình. Theo Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương làm cơ sở thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Sắp tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp làm tốt hơn việc này.

Việc thanh tra, kiểm tra và xử các vi phạm về lao động, việc làm trong các doanh nghiệp cũng được quan tâm. Tuy nhiên, vi phạm xảy ra cũng còn nhiều. Từ năm 2009 đến nay thanh tra Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 57 lượt doanh nghiệp, đưa ra 459 kiến nghị và xử lý các trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 161,5 triệu đồng. Riêng vấn đề quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại tỉnh Cà Mau, từ giữa năm 2011 tỉnh đã tổ chức kiểm tra 06 nhà thầu thi công nhà máy Đạm Cà Mau đang sử dụng 1.404 lao động người Trung Quốc đang làm việc, trong đó có 769 người lao động không phép. Đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 140 triệu đồng; trục xuất 16 người về nước.

Từ những phát hiện qua giám sát đã giúp cho các ngành, các cấp thấy rõ hơn tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ của mình. Trong việc thực thi Bộ Luật lao động, đợt giám sát đã giúp cho các cơ quan, đơn vị nhìn nhận một cách cụ thể, chính xác hơn những mặt được và chưa được của mình để từ đó có biện pháp chỉ đạo, thực hiện đạt kết quả tốt hơn.

NSC

Nhận xét

Bài liên quan